BÁO CÔNG AN: Nguy cơ tăng giá nhà, đất do nguồn cung ngày càng hạn hẹp
(CATP) Trong 9 tháng đầu năm 2019, nguồn cung trên thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM tiếp tục xu thế sụt giảm, do chỉ có 1 dự án (DA) nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Tình trạng thiếu nguồn cung khiến nhiều chuyên gia lo ngại giá nhà, đất có nguy cơ tăng trong những năm tới, ảnh hưởng đến người có nhu cầu thực sự về nhà và đất ở.
9 THÁNG, GIẢM 38% SỐ DỰ ÁN ĐƯỢC CẤP PHÉP XÂY DỰNG
Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), thời gian qua tại TPHCM chỉ có 24 DA được cấp phép xây dựng (XD), giảm khoảng 38% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường có khoảng 32 DA nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng DA và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.
Thị trường BĐS thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ mang tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường. Nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và cả công tác thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, vì thị trường này có "độ trễ" nên nếu không đưa ra được biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp (DN) BĐS gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
9 tháng đầu năm 2019, các DN xây dựng cũng sụt giảm khoảng 30-50% lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư giảm doanh thu bán hàng; một số DN sản xuất thiết bị, vật liệu XD gặp khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (SP); người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường BĐS có thể còn sụt giảm hơn nữa.
Tình trạng thiếu SP nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng, đem lại lợi nhuận lớn cho một số CĐT, nhưng lại khiến khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp nên khó tạo lập nhà ở hơn.
Ở những thị trường lân cận TPHCM, các địa phương đã ban hành bảng giá đất mới với mức tăng đến 70% so với năm 2018. Dự kiến khung giá đất do Chính phủ ban hành mới cũng sẽ cao hơn so với khung giá cũ.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, giá thành nhà, đất bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, trên dưới 30% giá thành nhà phố, trên dưới 50% giá thành biệt thự.
Giá thành là căn cứ để CĐT quyết định giá bán SP nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà, đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp khó tạo lập nhà ở hơn.
Cũng theo ông Châu, khi khung giá, bảng giá có mức giá đất quá cao sẽ tác động đẩy giá thị trường BĐS lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất các DA (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các DN, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.
TĂNG KHUNG GIÁ ĐẤT, THỊ TRƯỜNG ẢNH HƯỞNG
Một chuyên gia BĐS tính rằng, với các dự án BĐS nhà ở, tiền đất thường chiếm 10-14% giá thành. Do đó, khi giá đất tăng, giá bán nhà, đất chắc chắn phải tăng. Không những thế, chi phí về đất tăng còn kéo theo tất cả SP liên quan đến ngành XD như xi-măng, sắt thép, gạch... cũng tăng giá theo, từ đó đẩy giá thành nhà, đất lên cao.
Trên thực tế tại TPHCM đang xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư có sự dịch chuyển ra các vùng lân cận TPHCM. Theo ông Huỳnh Minh Thắng - Tổng giám đốc Thịnh Hưng Holdings, thông tin khung giá đất, bảng giá đất tăng cao dẫn đến một thực tế là các nhà đầu tư, đặc biệt là những người có nhu cầu thật về nhà, đất lo lắng.
Nhiều người trong số đó đã tranh thủ mua nhà, đất; một số nhà đầu tư thứ cấp cũng có xu hướng mua BĐS để chờ tăng giá. Những người có nhu cầu mua đất để an cư cũng đang cố gắng xoay xở để có tiền kịp mua đất, vì sợ qua năm giá đất sẽ tăng.
Lý giải việc nhiều khu vực quanh TPHCM có mức tăng giá đáng kể những năm gần đây, ông Trần Hiền Phương - Tổng giám đốc Công ty Seaholdings - cho rằng, chính những vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là tại TPHCM gần như triển khai rất chậm đã ảnh hưởng đến các DA, việc DA triển khai không được khiến nguồn cung BĐS giảm mạnh.
Không những thế, trước thông tin bảng giá đất sẽ tăng trong thời gian tới khiến các DN dạt về các tỉnh lân cận TPHCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thậm chí về tận Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để triển khai DA. Khi các DN lớn đổ về các tỉnh đầu tư cũng kéo theo các nhà đầu tư khác và khách hàng đi theo.
Theo ông Phương, so với TPHCM thì các tỉnh trên là những thị trường mới nổi, giá đất còn rẻ. Tại các DA, DN áp dụng mô hình đầu tư các dự án BĐS quy mô lớn, với nhiều tiện ích đảm bảo phục vụ cư dân địa phương. Đây là điểm nổi bật để thu hút chính khách hàng là người địa phương và những nhà đầu tư đổ về.